Theo số liệu từ Coinmarketcap, trên thị trường hiện tại có hơn 3.000 đồng tiền mã hóa đang được lưu hành. Các đồng tiền có giá trị thị trường lớn như Bitcoin, Ethereum và XRP dù được nhiều nhà đầu tư săn đón nhưng cũng có nhược điểm lớn là khi đem so sánh với một đồng tiền pháp định (chẳng hạn như USD) thì biên độ giao động giá của chúng quá cao.
Có thể thấy, tính ổn định thấp là nhược điểm lớn nhất của tiền mã hóa khi xem xét chúng như một phương tiện lưu giữ giá trị.
Vì lý do này một loại tiền mã hóa mới đã được sinh ra “stablecoin” và hiện nay Tether, đồng stablecoin lớn nhất thế giới, đang là đồng tiền có khối lượng giao dịch lớn nhất trên thế giới (xem hình 1).

Rõ ràng stablecoin đang là sự lựa chọn ưa thích của một nhóm NĐT cụ thể. Bài viết này nhắm đến việc tìm hiểu stablecoin là gì, chúng đa dạng ra sao và lý giải tại sao đầu tư stablecoin là một việc khá khôn ngoan.
1. Định nghĩa stablecoin
Stablecoin là các loại tiền mã hóa được thiết kế để giảm thiểu sự biến động của giá. Giá của stablecoin được gắn với một số tài sản hoặc rổ tài sản tương đối ổn định. Trên thực tế, giá stablecoin có thể được cố định vào giá của một đồng tiền pháp định cụ thể, hay một đồng tiền kỹ thuật số, hay một kim loại quý. Stablecoin thường được thế chấp, nghĩa là tổng số stablecoin đang lưu hành sẽ có các tài sản đảm bảo tương ứng. Ví dụ, nếu có 500.000 stablecoin cố định vào USD đang lưu thông, thì cũng có ít nhất 500.000 USD dự trữ trong ngân hàng để đảm bảo.
2. Phân loại stablecoin
Stablecoin có 3 loại chính như sau:
- Stablecoin dùng tiền pháp định làm thế chấp: Đây là loại stablecoin phổ biến nhất hiện nay và hầu hết được cố định vào USD. Tether (USDT), TrueUSD (TUSD), Paxos (PAX) và USD Coin (USDC) là những ví dụ điển hình và tỉ lệ trao đổi giữa chúng với USD là 1:1 (dù tỉ lệ này có đôi chút giao động nhưng không lớn). Ưu điểm chính của loại này là sự ổn định của đồng tiền pháp định dùng làm thế chấp, cụ thể là USD. Nhưng nhược điểm là công ty phát hành loại stablecoin này chỉ có thể cho lưu thông số lượng coin tương ứng với số tiền đảm bảo mà họ có trong ngân hàng, do đó nguồn cung loại coin này bị giới hạn bởi số tiền đảm bảo của công ty phát hành. Một nhược điểm khác là vì vẫn phụ thuộc vào ngân hàng và tiền pháp định nên loại stablecoin này vẫn bị xem là loại tiền “tập trung”.

- Stablecoin dùng tiền tiền mã hóa làm thế chấp: Loại stablecoin này nghe có vẻ trái ngược với mục đích ra đời là hạn chế biến động giá vì ai cũng biết tiền mã hóa có biên độ giao động giá lớn. Nên để giải quyết vấn đề này, các công ty phát hành thực hiện thế chấp quá giá trị, nghĩa là cứ $1 stablecoin được đảm bảo bởi $2 tiền mã hóa. Các đồng như Dai (DAI), Maker (MKR), nUSD, Bitshares (BTS) và BitUSD nằm trong nhóm này (hình 3). Ưu điểm của loại stablecoin này là vẫn giữ được tính phi tập trung của tiền mã hóa do không lệ thuộc vào tổ chức ngân hàng truyền thống. Nhược điểm là vẫn có biến động về giá nhiều hơn loại 1 và khó thiết kế.

Stablecoin dựa vào thuật toán không có thế chấp: Đây là những stablecoin tìm cách đạt được sự ổn định bằng cách sử dụng các mô hình kinh tế dựa trên phần mềm. Cụ thể hơn, loại stablecoin này tận dụng các thuật toán để xác định nên mở rộng hay thu hẹp nguồn cung tiền trước những phản ứng của thị trường, từ đó giữ giá ổn định trong một biên độ xác định trước. Nhóm này có các đồng như Basis, Kowala, Carbon và Fragments. Ưu điểm của loại stablecoin này là tính phi tập trung. Nhưng nhược điểm là rủi ro biến động giá cao hơn và độ phức tạp trong thiết kế cao.
3. Stablecoin ảnh hưởng như thế nào tới Bitcoin và Alcoins
Với ưu điểm lớn là tính ổn định so với Bitcoin và altcoin, từ khi ra đời đến nay các stablecoin đã được các NĐT để mắt tới như một phần trong danh mục tiền số và tăng trưởng nhanh chóng. Theo nghiên cứu gần đây của The Block, tổng vốn hóa thị trường của tất cả các stablecoin dựa trên nền tảng blockchain Ethereum từ lúc ra đời tới nay đã tăng 95.38%, hiện ở mức $6.25 tỉ USD. The Block cũng lý giải sự gia tăng mạnh mẽ của stablecoin là do hai yếu tố: những biến động gần đây của thị trường và tình trạng lạm phát của một số đồng tiền so với đồng USD. Trong số các stablecoin, Tether là đồng tăng trưởng mạnh nhất từ khi ra đời và nắm giữ 77.84% thị phần của tất cả các đồng stablecoin dựa trên nền tảng Ethereum blockchain.
Như vậy, khi thị trường biến động mạnh mẽ, lựa chọn đồng stablecoin có giá tương đối ổn định là một cách để bảo toàn giá trị khôn ngoan. Vậy còn lợi nhuận thì sao?
Với việc giá stablecoin tương đối ổn định và được đảm bảo bởi tài sản khác như USD, hay đồng tiền mã hóa khác, không khó để nhận ra rằng lợi nhuận đầu tư vào stablecoin không nhiều. Bản thân stablecoin được tạo ra không phải là một sản phẩm đầu tư như các đồng tiền mã hóa khác, mà là một phương tiện lưu giữ giá trị. Do đó, nhiều người dự đoán rằng tuy stablecoin hiện nay có khối lượng giao dịch cao nhưng đó chỉ là yếu tố tạm thời và lâu dài stablecoin cũng khó có thể tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đồng tiền mã hóa truyền thống khác có tính lợi nhuận cao hơn.
4. Lời khuyên cho NĐT
Như phân tích, stablecoin có nhiều ưu điểm nhưng cũng có hạn chế. Do đó, như quy luật “không bỏ tất cả trứng vào một rổ”, NĐT không nên quá sa đà vào stablecoin hay bất cứ một đồng tiền cụ thể nào đó. Mà nên sử dụng nó như một loại tiền phòng thủ trong danh mục đầu tư. Và hơn hết, nên tìm hiểu kỹ loại nào phù hợp trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Có thể bạn sẽ thích:
- Đánh giá sàn Remitano chi tiết nhất (2021)
- Đánh giá sàn MXC chi tiết nhất (2021)
- Chiến thuật Airdrop cực hay để x10 lần tỷ lệ chiến thắng